Wednesday, August 02, 2023

Gen Z sẽ thay đổi đáng kể ngành công nghiệp làm đẹp


Gen Z sẽ thay đổi đáng kể ngành công nghiệp làm đẹp

Số liệu thống kê trong nghiên cứu hơn 1.000 người tuổi từ 18 – 25 của tổ chức thanh niên UK Youth cho thấy, Gen Z đang có nhiều lo lắng nhất về các khía cạnh về tiền bạc, ngoại hình và sự nghiệp…

Gen Z muốn trải nghiệm của bản thân được cá nhân hóa, phục vụ nhu cầu thị hiếu của riêng mình, đặc biệt là trong làm đẹp.

Nghiên cứu cho thấy lo lắng về tiền bạc là nguyên nhân lớn nhất khiến Gen Z căng thẳng, sau đó là nỗi sợ hãi về tương lai và ngoại hình. Cuộc khảo sát gần đây do Bailey thực hiện với sự tham gia của hơn 2.000 Gen Z ở Anh cũng cho thấy những người trẻ quan tâm đến vẻ ngoài đến nỗi sẵn sàng chi tiền nhiều hơn để chăm sóc bản thân.

Ước tính, trong 1 năm, có 51 lần Gen Z mua quà tặng bản thân, chi tiêu trung bình cho bản thân khoảng 828 USD/năm, theo Mirror. Khoảng 37% chăm sóc bản thân bằng cách đầu tư vào các sản phẩm chăm sóc da, trị liệu spa hay mua đồ trang điểm, đồ trang sức. Bên cạnh đó, nến thơm, thẻ tập cũng rất phổ biến. Nghiên cứu cũng cho thấy 52% người trẻ nghĩ rằng họ nên chi tiêu nhiều hơn để chăm sóc bản thân, chỉ khoảng 7% thừa nhận cảm thấy tiếc sau khi mua đồ chăm sóc da hay mỹ phẩm.

Có thể thấy, kể từ năm 2022, ngành công nghiệp chăm sóc da đang chứng kiến sự gia tăng nhu cầu đối với việc chăm sóc da hiệu quả, có mục tiêu rõ ràng từ người tiêu dùng Gen Z. Thế hệ người tiêu dùng mới này đã sớm biết được bản chất của cách tiếp cận loại bỏ, mang lại lợi ích lâu dài. Cách tiếp cận mới này khuyến khích người tiêu dùng lùi lại một bước để cẩn thận lựa chọn cụ thể hơn, hướng đến những sản phẩm phù hợp và có lợi cho làn da.Gen Z muốn trải nghiệm của bản thân được cá nhân hóa, phục vụ nhu cầu thị hiếu của riêng mình, đặc biệt là trong làm đẹp.

Người tiêu dùng thời đại mới tìm kiếm kết quả lâu dài. Việc họ tìm kiếm sản phẩm phù hợp để giải quyết những lo lắng về chăm sóc da của mình mà không cần phải thoa nhiều lớp đã dẫn đến việc gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm đa công dụng lẫn mục tiêu. Do đó, các sản phẩm đa công dụng, như kem dưỡng ẩm có SPF 50 có thể tăng doanh số bán hàng gấp đôi. Những sản phẩm kiểu này không chỉ giúp người tiêu dùng tiết kiệm tiền, mà còn giúp họ duy trì thói quen chăm sóc da đơn giản hơn.

Theo Fashion United, Gen Z là nhóm người tiêu dùng không ngừng thách thức các tiêu chuẩn làm đẹp truyền thống. Trước khi quyết định mua hàng, họ đang dành đáng kể thời gian để tìm hiểu về các thành phần khác nhau, lợi ích đa công dụng, tác hại có thể xảy ra… Do đó, các thành phần như Axit Hyaluronic, Retinol, Vàng và Squalane ngày càng thông dụng đối với người tiêu dùng Gen Z và thế hệ trẻ hiện đại.

Một cuộc khảo sát người tiêu dùng được thực hiện tại thị trường Ấn Độ vào quý 1 vừa qua cho thấy 40% Gen Z sẵn sàng dùng thử các sản phẩm có thành phần chính là vàng 24K. Tuy nhiên, họ cũng vẫn quan tâm tới các thành phần bản địa như nho đỏ, tro dung nham núi lửa,…

Là thế hệ mang cá tính độc đáo, có sự nhạy bén và chọn lọc thông tin xuất sắc, phong cách làm đẹp của Gen Z cũng mang đậm chất riêng giúp họ định hình mạnh mẽ các xu hướng của ngành làm đẹp. Theo nghiên cứu thị trường do Fung Retail & Technology Group thực hiện, 67% người tiêu dùng sinh sau năm 1996 sẽ ngừng sử dụng một thương hiệu nếu họ cảm thấy các hành vi của thương hiệu là phi đạo đức.Gen Z là nhóm người tiêu dùng không ngừng thách thức các tiêu chuẩn làm đẹp truyền thống.

Điều này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng khi gen Z đang nhanh chóng trở thành đối tượng tiêu dùng quan trọng nhất trong ngành công nghiệp làm đẹp. Do đó, không khó để chúng ta bắt gặp những lời tuyên bố về tính bền vững và thân thiện với môi trường trên các gian hàng mỹ phẩm hoặc các quảng cáo trên mạng xã hội. “Green beauty” thậm chí còn “phủ xanh” thế giới làm đẹp đúng nghĩa khi các sản phẩm làm đẹp được khoác chiếc áo màu xanh gắn liền với môi trường và tính chất bền vững của nó. 

Khác với xu hướng làm đẹp nặng tính “che phủ” của các thế hệ trước, Gen Z hướng đến vẻ đẹp tự nhiên và trân trọng những đặc điểm không hoàn hảo. Loạt bảng hiệu quảng cáo được photoshop đến với những hình ảnh người mẫu siêu thực dần nhường chỗ cho những chiến dịch với vẻ đẹp thực tế, đa dạng hơn. Theo một thống kê, TikTok là nguồn thông tin về làm đẹp đứng đầu của Gen Z với 37% và theo sau là Facebook với 23%. Thông qua TikTok, Gen Z đã làm sống lại những thương hiệu chăm sóc da cơ bản mà chúng ta suýt lãng quên như CeraVe và Cetaphil.

Trong 6,2 tỷ lượt xem, CeraVe luôn giữ thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng thương hiệu mỹ phẩm làm mưa làm gió TikTok. Đây cũng là một thương hiệu được rất nhiều người có ảnh hưởng trên TikTok ủng hộ như Hyram hay Dr. Shah (DermDoctor). Hai sản phẩm được nhắc tới nhiều nhất phải kể đến Foaming Facial Cleanser và Daily Moisturizing Lotion. Ưu điểm chung của 2 sản phẩm này là công thức lành tính, giá thành rẻ và vẫn đem đến hiệu quả tốt.Theo một thống kê, TikTok là nguồn thông tin về làm đẹp đứng đầu của Gen Z.

Trong năm 2023, sẽ có nhiều người trẻ lựa chọn các quy trình chăm sóc da đơn giản và tối giản hơn. Nhiều khách hàng cũng bắt đầu nhận ra rằng chăm sóc da ít hơn và sử dụng quá nhiều sản phẩm thật sự không đảm bảo hiệu quả; thậm chí còn phản tác dụng. Chỉ cần giữ cho làn da của bạn đủ nước và được bảo vệ là đã có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Skinimalism hay còn gọi là “tối giản cho làn da” đang được nhiều người đã thảo luận từ Instagram cho đến TikTok. 

Do các yếu tố liên quan đến Covid-19, nhiều người đã vô tình chấp nhận chủ nghĩa tối giản về da. Ở nhà thường xuyên khiến nhiều người trang điểm ít hơn và họ nhận thấy làn da của mình được cải thiện. Vì thế, xu hướng đó tiếp tục được duy trì cho đến bây giờ. Hơn nữa, Skinimalism góp phần thúc đẩy tính bền vững vì nó khuyến khích mua sắm và tiêu thụ ít hơn. Đây cũng là một cách chăm sóc da đơn giản, tiết kiệm thời gian và cả sức lực cho người dùng.

Bên cạnh đó, là thế hệ được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ số hóa khi thông tin luôn nằm trong bàn tay, Gen Z càng muốn trải nghiệm của bản thân được cá nhân hóa, phục vụ nhu cầu thị hiếu của riêng mình, đặc biệt là trong làm đẹp. Từ đó, những bảng màu mắt tùy chỉnh (custom palette) cho mắt hay môi tùy chọn theo sở thích ra đời. Nổi bật nhất phải kể tới Curator Palette của Hourglass. Anastasia Beverly Hills và Kiko Milano cũng có những bảng màu mắt tùy chỉnh với thiết kế đen bóng, nhỏ gọn và giá thành rẻ hơn.

Sự kết nối của Gen Z và sức ảnh hưởng của họ thực sự vượt ngoài Instagram hay TikTok và tác động mạnh mẽ đến ngành công nghiệp làm đẹp. Có thể nói Gen Z là một thế hệ bùng nổ và cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp tiến xa hơn, mang lại những giá trị cao hơn.

Nguồn: Vneconomy

Sunday, July 30, 2023

Những nghề gắn với kinh tế số sẽ “hot”

Những nghề gắn với kinh tế số sẽ “hot”


Thế giới đang trong giai đoạn phát triển kinh tế số, nước ta cũng không ngoại lệ. Do đó, những nhóm ngành nghề cần nhiều nhân lực giai đoạn 2021-2030 là những nghề gắn với kinh tế số.

12 nhóm ngành “hot”

Cứ đến mùa tuyển sinh là các bậc phụ huynh lại sốt sắng tìm hiểu các ngành nghề đang “hot”, đang có xu hướng phát triển, dễ tìm việc khi ra trường, có thu nhập cao, cơ hội thăng tiến…

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM là người có thâm niên 40 năm làm trong ngành cung ứng nhân lực, gần 20 năm miệt mài đi khắp các tỉnh tư vấn tuyển sinh nên có rất nhiều phụ huynh quen biết, hỏi han về những nghề nghiệp dễ kiếm việc làm vào dịp này.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM là người có thâm niên 40 năm làm trong ngành cung ứng nhân lực.

Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Trong tuần qua, facebook và zalo của tôi liên tục nhận được hàng trăm câu hỏi của phụ huynh và học sinh đều chung một vấn đề là  “chọn ngành nghề nào trong lúc này là đúng nhất và nhu cầu nhân lực tương lai có thay đổi thế nào?”.

Theo quan điểm của ông Trần Anh Tuấn, không có ngành nghề nào “hot” mà chỉ mang tính tương đối, luôn có sự chuyển động thay đổi theo từng giai đoạn trên thị trường lao động.

Tuy nhiên, thời điểm nào cũng có một số ngành nghề có nhu cầu lao động cao hơn ngành nghề khác. Dựa vào các chỉ số thống kê nhu cầu nhân lực thời gian qua cùng xu hướng phát triển kinh tế sắp tới, ông Trần Anh Tuấn dự báo có 12 nhóm ngành sẽ có nhu cầu nhân lực cao trong giai đoạn 2021 – 2030.

Ông Trần Anh Tuấn nhận định: “Trong 12 nhóm ngành nổi bật, một số lĩnh vực sẽ có sự phát triển về nhu cầu nhân lực là: Lập trình viên, khoa học dữ liệu; Điện, cơ khí; Xây dựng, kiến trúc, thiết kế; Kỹ thuật Y – Sinh; Công nghệ thực phẩm; Quản trị kinh doanh, thương mại điện tử, digital marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Nông nghiệp công nghệ cao”.

Đồng thời, ông Trần Anh Tuấn cũng lưu ý trong giai đoạn hiện nay, các ngành nghề gắn liền với kinh tế số sẽ là những nghề có nhu cầu nhân lực ngày càng cao. Bởi nền kinh tế nước ta đang phát triển theo xu thế này để hội nhập cùng nền kinh tế thế giới.

Ông nhấn mạnh: “Trong thời đại công nghệ 4.0, những lao động tri thức phải am hiểu làm việc với robot thì mới phát triển. Thời kỳ của các bạn là kinh tế số, kỹ thuật số. Dù bạn có thù ghét máy móc công nghệ đến mức nào thì các bạn cũng phải sống chung với nó”.

Chọn nghề trong bối cảnh hiện nay

Điều các phụ huynh băn khoăn là trong giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp hiện nay, nhiều ngành nghề “hot”, có nhu cầu nhân sự lớn và thu nhập cao đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, lao động thất nghiệp… thì có nên theo học hay không?

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Các bạn khi chọn nghề phải có tầm nhìn hơi xa một chút, nhu cầu dài hạn trong 5 năm tới, thậm chí là 10 năm tới. Dịch Covid-19 không thể kéo dài mãi, nó sẽ được khống chế và khi đó kinh tế phục hồi, nhu cầu nhân lực sẽ trở lại như xưa”.

Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn thì phụ huynh và các em học sinh không nên chỉ căn cứ vào nhu cầu thị trường lao động để chọn nghề, mà chọn nghề là một quá trình tác động rất nhiều yếu tố.

Ông nói: “Việc chọn nghề sẽ căn cứ vào thực trạng nghề nghiệp ở hiện tại cũng như dựa vào thống kê, dữ liệu dự đoán ngành nghề nào đó có xu hướng phát triển, cơ hội tìm việc làm tốt nhất. Đồng thời phải kết hợp với việc ngành nghề đó có phù hợp với năng lực, tính cách của người đang chọn hay không”.

“Việc chọn nghề, con đường học tập cho tương lai của mỗi học sinh cần tuân theo tiêu chí lần lượt là: năng lực, sở thích, nhu cầu của thị trường lao động và khả năng, điều kiện kinh tế của từng gia đình”, ông Tuấn cho biết thêm.

5 điều kiện của nhân lực chất lượng cao

Theo ông Trần Anh Tuấn, nếu có đủ năng lực đáp ứng và sự say mê theo đuổi ngành học và nghề nghiệp dự định thì dù trên con đường học tập, hay thậm chí cả trong quá trình tham gia thị trường lao động, nếu có gặp những khó khăn, trở ngại, các em sẽ nỗ lực để vượt qua thay vì buông xuôi.

Về trình độ nghề nghiệp, ông Tuấn đề nghị các em học sinh nên cân nhắc năng lực và sở thích của mình để chọn bậc học phù hợp, không nhất thiết phải vào đại học mới là thành công.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Dù tốt nghiệp bất kỳ cấp bậc học nào (Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp nghề) thì điều cơ bản quyết định thành tựu của mỗi người trong thị trường lao động là năng lực nghề nghiệp”.

“Một người có năng lực nghề nghiệp là người có thể hoàn thành các công việc được giao với chất lượng cao. Năng lực được đo đếm bởi kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ nghề nghiệp…”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tham khảo:  Dân trí

Người cuối cùng của bộ tộc bách khoa thư


Người cuối cùng của bộ tộc bách khoa thư


The World Book Encyclopedia là cái tên cuối cùng còn sót lại của một dòng xuất bản phẩm từng là kho tri thức đúng nghĩa của nhân loại.

Người cuối cùng của bộ tộc bách khoa thư - Ảnh 1.

Giống như việc nhiều công cụ trở nên lỗi thời và chìm vào quên lãng trong thời đại kỹ thuật số, có ý kiến cho rằng Internet đã “bức tử” bách khoa toàn thư bằng giấy. Ấy vậy mà Nhà xuất bản World Book, Inc. (Mỹ) vừa phát hành bản cập nhật 2023 của bộ từ điển bách khoa nay đã trên 100 tuổi.

Tiếc thay, The World Book Encyclopedia là cái tên cuối cùng còn sót lại của một dòng xuất bản phẩm từng là kho tri thức đúng nghĩa của nhân loại.

Sức hút hoài cổ

The World Book Encyclopedia xuất bản lần đầu tiên vào năm 1917, và kể từ năm 1925, gần như mỗi năm đều có bản cập nhật. Trong phần giới thiệu cho ấn bản 2023, World Book khẳng định đây là “bộ bách khoa toàn thư tham khảo tổng quát duy nhất vẫn được xuất bản cho đến ngày nay”.

Lời rao này đã chiêu dụ thành công Benj Edwards, phóng viên chuyên mảng trí tuệ nhân tạo (AI) của trang Ars Technica. Dù ấn bản này cũng có bản điện tử với giá chỉ 250 USD, Edwards vẫn chi 1.199 USD để mua bản in – pho sách đồ sộ gồm 22 tập lẻ với tổng cộng trên 14 vạn trang.

Trong bài viết ngày 9-6, Edwards kể khi biết World Book vẫn in bách khoa thư, anh đi từ ngạc nhiên đến bồi hồi nhớ lại ấn bản năm 1968 mà gia đình anh từng sở hữu, và sau cùng là thôi thúc phải có nó cho bằng được.

Thật ra, trước đó, Edwards đã gửi một đề xuất nhận bản đọc thử đến World Book nhưng không được phản hồi. Vì đã tính đến tình huống này, nên không đọc thử được thì Edwards mua luôn. Mua, không chỉ để thỏa nỗi hoài niệm mà còn để “làm nghề”: Edwards muốn trả lời câu hỏi, vì sao bản in này vẫn tồn tại giữa thời đại mà bao nguồn tham khảo thông tin miễn phí ngập tràn trên mạng.

Khi hàng về, Edwards cẩn thận lấy từng quyển một ra khỏi hộp, rồi thích thú cảm nhận sức nặng – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – của lượng thông tin nằm trong tay mình. Trải khắp 22 tập là 17.000 bài viết xếp theo ABC, với hơn 25.000 bức ảnh, hình minh họa, sơ đồ và bản đồ.

Ảnh: Benj Edwards/Ars Technica
Ảnh: Benj Edwards/Ars Technica

Bộ sách là “một bản tóm tắt kiến thức nhân loại được các chuyên gia biên soạn và hiệu đính, rồi xuất bản ở hình thức không một ai hay AI nào có thể can thiệp, chỉnh sửa sau đó” – anh viết. 

Gần 20 năm tiếp xúc với hàng tấn thông tin thật giả lẫn lộn trên cõi mạng, Edwards miêu tả cảm giác cầm bộ bách khoa thư in như đặt chân lên một vùng đất khô ráo sau một chuyến đi thuyền dài, một cảm xúc thật khó để đặt tên.

Mở một quyển trong bộ sách mới, Edwards thấy mình như quay ngược thời gian, bao ký ức về bản in năm 1968, vốn chiếm dụng một ngăn kệ lớn trong nhà anh, chợt ùa về. Hiện ra trước mắt anh là kiểu chữ quen thuộc từ thời thơ ấu mà anh đã bao lần tham khảo để làm bài tập tóm tắt nội dung sách, hay viết các báo cáo và dự án thời đi học cho đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 1999.

Chất lượng bền bỉ

Để kiểm tra độ chính xác của bản bách khoa toàn thư mới, Edwards đã tra cứu các bài báo ở các chủ đề sở trường như AI, máy tính, trò chơi điện tử, Internet, truyền thông và không khỏi gật gù. Giọng điệu trung lập, quyết đoán của World Book tạo cảm giác thật sảng khoái.

Về nội dung, theo Edwards nhận định, ấn bản năm 2023 khá cập nhật. Nào là tiểu sử của những nhân vật đáng chú ý như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nữ thẩm phán da màu đầu tiên trong lịch sử Tòa án tối cao Mỹ Ketanji Brown Jackson, nào là hàng trăm bài viết cập nhật về các chủ đề khác nhau, từ giáo dục tại nhà và người dân bản địa châu Mỹ, cho đến khám phá không gian và truyền hình.

Trang về truyền hình trong quyển World Book Encyclopedia 2023.  Ảnh: Benj Edwards
Trang về truyền hình trong quyển World Book Encyclopedia 2023. Ảnh: Benj Edwards

Mỗi buổi sáng, trong lúc đợi hai con chuẩn bị đi học, Edwards lôi ra một quyển ngẫu nhiên và xem qua. Chỉ vài phút buổi sáng, anh đã làm mới kiến thức của mình về nhiều chủ đề và tận hưởng sự ổn định có chủ ý trong trải nghiệm thông tin từ bản in. Những bài viết anh đã đọc cho đến nay đều chính xác và được viết tốt.

Anh cảm thấy tự tin khi sử dụng nó như một tài liệu tham khảo cá nhân không thường xuyên vì nó chắc chắn chính xác hơn mọi mô hình ngôn ngữ lớn (large language model) hiện tại (như ChatGPT), và nhất là khi thế giới trực tuyến ngày càng phụ thuộc vào AI.

Edwards cũng đánh giá cao sự thoải mái và khả năng tập trung cao mà bản in mang lại, bởi không có cửa sổ bật lên choán màn hình, không có yêu cầu đóng góp, không có quảng cáo nhan nhản như bản web. Chỉ có bản thân anh và thông tin do các biên tập viên của World Book tuyển chọn.

Tất nhiên, không có gì là hoàn hảo tuyệt đối. Bản Edwards mua mắc một lỗi liên kết khiến 60 trang đầu tiên của quyển G nhầm thành các trang trong quyển U. Một khách hàng khác mua bộ này trên Amazon cũng phản ánh lỗi tương tự. Khi nói với tổng biên tập World Book về lỗi in trên, anh nhận được câu trả lời: “Chúng tôi đã phát hiện vấn đề này gần đây. Nhà in đã đảm bảo với chúng tôi rằng chỉ một số lượng rất nhỏ các bản in bị nhầm”. World Book cũng cho phép khách hàng mang đổi quyển bị lỗi hoàn toàn miễn phí.

Không phải ai cũng mê

“Bởi vì vẫn còn có cầu!” là câu trả lời mà Edwards nhận được qua email từ tổng biên tập Tom Evans của World Book cho thắc mắc tại sao công ty vẫn in bách khoa toàn thư. Theo Evans, nhu cầu đó ở khoảng “hàng nghìn” mỗi năm. 

Cụ thể hơn, một đại diện khác của World Book từng chia sẻ với trang Quartz năm 2019, nhu cầu mua bách khoa thư chủ yếu đến từ các trường học, thư viện công cộng và những gia đình có con em theo học chương trình giáo dục tại nhà. “Chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất bản in [của bộ sách] khi vẫn còn nhu cầu” – Evans khẳng định.

Có lẽ đó là những bến đỗ cuối cùng của dòng sách này. Bách khoa toàn thư, mà lại còn là bản in, thật sự ngày càng xa lạ giữa đời nay. Chả nói đâu xa, vẫn chuyện nhà Edwards: trái ngược với sự hào hứng của anh, vợ và hai con khá lạnh nhạt với bộ sách mới trong nhà. 

Ban đầu, khi nghe chồng khoe mới mua bộ bách khoa toàn thư, người vợ không biết phải phản ứng sao, dù sau đó cũng khá hứng thú vì bản thân từng sử dụng nó thời đi học. Chút lăn tăn chỉ kéo dài đến khi chị nhìn thấy gáy 22 quyển sách ghép lại thành hình con cá mập. “Em không muốn nhìn thấy một con cá mập to đùng mỗi ngày khi em bước vào phòng” – chị bảo chồng.

Ảnh: Benj Edwards/Ars Technica
Ảnh: Benj Edwards/Ars Technica

Dự định cho hai con, 10 và 13 tuổi, tập tham khảo bộ bách khoa thư như mình hồi nhỏ của Edwards cũng bất thành. Khi anh giới thiệu bộ sách, hai đứa nhỏ nhìn anh như thể anh là người ngoài hành tinh và đang nói một ngôn ngữ khác không phải tiếng người. Cho đến nay, hai đứa chưa từng mở bộ sách ra một lần nào.

Không chỉ riêng hai con của Edwards, trong một video trên YouTube với tựa đề “Teens React to Encyclopedias” (Thanh thiếu niên phản ứng về bách khoa toàn thư), một đứa trẻ đã đưa ra định nghĩa về bách khoa toàn thư là “Internet trong sách”, một em khác so sánh “đó là Google của thời bấy giờ… quãng thời gian đó tồi tệ nhất”. Bất chấp những phản ứng trên, Edwards vẫn vui khi biết rằng bất kể điều gì xảy ra trên mạng, thông tin bên trong bộ bách khoa thư anh vừa mua sẽ không bao giờ thay đổi.

Muôn trí khôn trên nghìn trang sách

World Book có vẻ không sai khi tuyên bố đây là “bộ bách khoa toàn thư duy nhất vẫn được in cho đến ngày nay”, ít nhất là theo tìm hiểu của Edwards. Đối thủ cạnh tranh khốc liệt nhất với bộ bách khoa toàn thư của World Book, Britannica, đã ngừng in vào năm 2012, sau 244 năm ra mắt.

Tóm tắt, tổng hợp kiến thức của nhân loại thành sách là việc làm có từ thời Thư viện Alexandria (thế kỷ 3 TCN – thế kỷ 3). Nổi bật nhất là bộ Naturalis historia (Lịch sử tự nhiên) do triết gia Pliny The Elder (thế kỷ 1) biên soạn, theo quyển All the Knowledge in the World (tạm dịch: Mọi kiến thức trên thế giới) viết về lược sử bách khoa toàn thư của Simon Garfield mới xuất bản đầu năm nay

Nói về bề dày văn hóa – lịch sử, không mấy ngạc nhiên khi Trung Quốc sở hữu một trong những bộ bách khoa thư lớn nhất trong lịch sử – bộ Vĩnh Lạc đại điển với tổng số 11.095 tập và khoảng 370 triệu ký tự – do Hoàng đế Vĩnh Lạc (1360-1424) thời nhà Minh (1368-1644) trực tiếp trông coi việc biên soạn.

Bên cạnh những bộ nhằm mục đích lưu trữ kể trên, All the Knowledge in the World cũng nhắc đến hình thức bách khoa thư hiện đại hơn, được in ấn và phân phối rộng rãi xuất hiện ngay trước thời soạn giả người Pháp nổi tiếng Denis Diderot (1713-1784), người đề cao tham vọng của những ai muốn tập hợp “tất cả kiến thức trên trái đất, để trình bày thành một hệ thống chung cho những người mà chúng ta cùng sống, và truyền nó cho những người sẽ xuất hiện sau chúng ta, để công việc của các thế kỷ trước không trở nên vô ích đối với các thế kỷ tiếp theo, để con cháu chúng ta, nhờ học hỏi nhiều hơn, có thể trở nên đạo đức hơn & hạnh phúc hơn, và rằng chúng ta đừng chết mà không xứng đáng là một phần của loài người”.

Với sự hỗ trợ của triết gia kiêm nhà khoa học Jean le Rond d’Alembert (1717-1783), Diderot đã biên soạn thành công cuốn Encyclopédie, bộ bách khoa thư đình đám của Pháp vào thế kỷ 18.

Tác giả Garfield cũng dành nhiều trang đề cập về bộ Britannica từ lúc xuất hiện khiêm tốn, cho đến khi vươn tới thời kỳ cực thịnh vào thế kỷ 20 với lần tái bản thứ 15, rồi lụi tàn trước sự ra đời của hình thức bách khoa toàn thư trực tuyến, mà nổi bật nhất là Wikipedia – một bách khoa toàn thư tự do và miễn phí, ra đời năm 2001, được người người trên thế giới sử dụng đến tận ngày nay.

Theo The New York Times, 32 quyển của phiên bản năm 2010 là những bản in cuối cùng, để chuyển hoàn toàn sang online của Britannica – bộ bách khoa lâu đời nhất bằng tiếng Anh. Vào thời điểm tuyên bố ngừng in, Britannica cho biết bản điện tử của bộ bách khoa này đang phục vụ hơn 100 triệu độc giả trên toàn thế giới.

Tham khao: TTCT

THANK YOU SO MUCH